GIẢM LỆ THUỘC NHƯNG KHÔNG COI NHẸ VAI TRÒ CỦA SGK
Bà Phạm Thái Lê,áoviêngiảmlệthuộcvàosáchgiáem chưa 18 giáo viên (GV) Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), đánh giá tích cực về việc trao quyền chủ động cho GV trong dạy học theo chương trình mới, đặc biệt là quyền lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) phù hợp với mục tiêu bài dạy, phù hợp với đối tượng học sinh (HS) mình đang dạy. Tuy nhiên, điều này cũng buộc GV và HS phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn và đây cũng là động lực để người dạy và người học thay đổi.
Bà Lê cũng chia sẻ việc giảm lệ thuộc vào SGK dù nói có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được đòi hỏi cả một quá trình và dám đổi mới. Thời gian đầu, để cho an toàn thì thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào một cuốn SGK nào đó, GV sẽ chọn ngữ liệu từ nhiều SGK để dạy và điều này cũng cần được xem là dấu hiệu tích cực.
Việc có nhiều SGK giúp GV có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ, tùy từng nội dung, thậm chí từng lớp, mỗi SGK khác nhau lại có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Nhà trường vẫn chọn ra một danh mục SGK chủ đạo nhưng nếu GV chỉ lệ thuộc vào cuốn SGK ấy mà không nghiên cứu, tìm hiểu và đưa vào bài giảng ngữ liệu từ các SGK khác hoặc văn bản khác thì cả người dạy và người học sẽ phải chấp nhận cả ưu điểm và nhược điểm của SGK đó.
Do vậy, theo bà Lê, GV phải nghiên cứu kỹ các SGK khác nhau, các nguồn học liệu khác nhau để lựa chọn, gợi mở cho HS đọc và học những tác giả, tác phẩm phù hợp, trong đó có cả những tác giả mà SGK không đưa vào. GV phải là một "bộ lọc", là người thẩm định trước khi đưa vào bài dạy cho HS.
Dù vậy, bà Lê cũng nhấn mạnh không nên cực đoan trong việc "thoát ly" SGK trong quá trình dạy học vì dù thay đổi thế nào, SGK vẫn là tài liệu đặc biệt với nhà trường. "Chúng ta không lệ thuộc vào SGK ở khía cạnh dù thấy có những phần nội dung chưa hay, chưa phù hợp nhưng vẫn cứng nhắc dạy cho HS vì nghĩ SGK là "pháp lệnh"; nhưng có những nội dung, tác phẩm mà tác giả SGK chọn đã rất hay, rất tốt rồi thì nhiệm vụ của GV là làm sao để chuyển tải những nội dung trong SGK ấy đến HS một cách gần gũi, dễ hiểu nhất chứ không phải đi tìm một ngữ liệu khác ngoài SGK thì mới là đổi mới", bà Lê nói.
"DẠY CÁCH" CHỨ KHÔNG "DẠY CÁI"
20 năm dạy môn ngữ văn, bà Tô Lan Hương, Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự lột xác tư duy của từng môn học. Chương trình làm thay đổi hẳn lối học vẹt, tư duy học gì thi nấy. Trước đây, HS được học 5 tác phẩm, GV ôn tập theo 5 tác phẩm ấy. Ví dụ, cô dạyTruyện Kiềuthì thiTruyện Kiều, cô dạy Người lái đò sông Đàthì thi Người lái đò sông Đà… Điều này thành lối mòn với thầy cô. Ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Tô Lan Hương cho rằng môn ngữ văn có thay đổi rất lớn, đó là "dạy cách" chứ không "dạy cái", với 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây.
"Trước đây chỉ chú ý vào những bài đọc hiểu, sau đó thì thi, kiểm tra, phân tích mấy dạng đề có sẵn. Thầy trò cứ kỳ cạch học như thế từ lớp 6 đến lớp 12 và cứ chăm chú viết bài đó ra như thế nào. Còn bây giờ, HS được học và phát triển 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết", bà Hương nói.
Bà Tô Lan Hương cho biết thêm GV dạy cho HS cách đọc, cách nghe, cách nói, cách viết và khi đánh giá, ngữ liệu không trong SGK. Như vậy, ngữ liệu GV dạy chỉ như một tham khảo, làm sáng tỏ cho kỹ năng đọc thể loại thôi, còn HS sẽ phải "chiến đấu" với một tác phẩm mới tinh. Kết quả kiểm tra giữa chương trình mới và chương trình cũ cũng sẽ rất khác nhau. Vì thế, HS thấy khó và hoang mang ở lớp 10, nhưng sang lớp 11 sẽ không còn nữa. Đó là sự thay đổi rất lớn dù những năm đầu, điểm số của HS sẽ không ở mức an toàn nhiều như trước.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cũng cho rằng việc thay đổi cần một quá trình bền bỉ. Theo quan sát của bà ở các trường khác nhau, khi mới tiếp cận chương trình mới, GV tham gia tập huấn vẫn có xu hướng bám vào SGK cụ thể nào đó để đặt câu hỏi, nêu những thắc mắc. Nhiều GV sợ bỏ sót nội dung nào đó trong SGK thì HS của mình sẽ bị thiếu, nếu trong các kỳ thi đề ra đúng vào phần đó, HS của mình bị thiệt thòi. Một số GV cũng nghĩ trình tự bài học trong sách thế nào phải làm theo đúng như vậy. Khi được "cởi trói" về tư duy, GV mới dần hiểu SGK chỉ là một tài liệu quan trọng trong số các nguồn học liệu khác nhau để sử dụng trong dạy học.
GV PHẢI ĐƯỢC TẬP HUẤN ĐỂ HIỂU SÂU VỀ CHƯƠNG TRÌNH
Một GV dạy tiểu học ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết lâu nay việc tập huấn cho GV thường do các đơn vị xuất bản SGK thực hiện. Trong khi đó, muốn giảm lệ thuộc vào SGK thì GV phải được tập huấn, bồi dưỡng để hiểu sâu sắc về chương trình. "Tuy nhiên, dù thế nào SGK cũng phải chuẩn chỉnh", GV này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu, cũng nhận định giáo án chương trình mới ít chữ, ít trang hơn, nhưng GV vất vả hơn. Hiện nay các cuộc tập huấn tập trung vào sách này sách kia nhưng chương trình nhiều GV lại đang không hiểu.
Cùng nhìn nhận thực tế này, bà Phạm Thái Lê chỉ ra rằng càng giảm phụ thuộc vào SGK thì chương trình càng phải chuẩn chỉnh và cụ thể, chuẩn đầu ra cũng phải rõ ràng để GV đánh giá phù hợp. Ví dụ, với môn ngữ văn, khi kiểm tra, thi cử yêu cầu HS phải làm bài phân tích, nghị luận dựa trên một tác phẩm mới hoàn toàn thì yêu cầu cần đạt cũng phải ở mức rất phù hợp. Hiện chương trình vẫn còn những nội dung kiến thức ôm đồm và khá nặng nề khiến GV khi dạy học không bám vào SGK mà chưa có kinh nghiệm cũng lo lắng như vậy đã đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình hay chưa. (còn tiếp)
Chưa đạt đến đích cuối cùng của chủ trương nhiều bộ SGK
Liên quan đến xu hướng vận hành đúng theo chủ trương một chương trình nhiều SGK, chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: "Nếu đúng tinh thần một chương trình nhiều SGK thì trong một tiết học, thầy cô giáo, HS có thể dùng SGK nào cũng được mới là đúng. Cho nên, đáng ra quyền lựa chọn sách nào là của HS, phụ huynh. Tại sao lại phải chọn bộ này, bộ kia. Nếu bộ sách không hay, không hấp dẫn, không dễ sử dụng sẽ không được sử dụng. Hiện nay, chúng ta làm chưa đạt đến đích cuối cùng là trong một tiết học dùng sách nào cũng được. Chỗ này học sách này rồi nhưng đưa sách khác vào học thì lệch pha, rất khó. Đúng ra, một chương trình nhiều SGK thì cùng tiết toán lớp 5, ngồi ở đâu, dùng sách nào cũng được mới đúng. Như thế, trên thị trường có 5 quyển sách toán, nếu có điều kiện tôi mua cả 5 quyển cho con tôi có sao đâu".
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây đã chia sẻ: "Sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, SGK là học liệu, cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc. Đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta".
Vẫn theo ông Sơn, nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng trong việc giúp GV giảm lệ thuộc vào SGK: "Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các GV sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ".